Lượt xem: 541

Công tác tuyên giáo phải đi trước, đi cùng với sự nghiệp xây dựng và phát triển của địa phương

Công tác tuyên giáo là bộ phận cấu thành trong toàn bộ hoạt động của Đảng, là lĩnh vực trọng yếu của công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, góp phần quan trọng vào việc đưa chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức, niềm tin và hành động cách mạng tự giác của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đặc biệt hiện nay, trước những tác động phức tạp của tình hình thế giới, sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ... tác động trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm và niềm tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân với Ðảng, Nhà nước thì nhiệm vụ đặt ra cho công tác tuyên giáo càng nhiều khó khăn hơn.

    Công tác tác tuyên giáo là nhiệm vụ của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là đội ngũ chuyên trách công tác tuyên giáo các cấp, báo cáo viên, tuyên truyền viên, đảng viên ở cơ sở - còn gọi là cán bộ tuyên giáo của Đảng - là lực lượng đi đầu thực hiện công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin, phản bác thông tin sai trái, xấu độc... để nhân dân hiểu đúng, đồng thuận và ủng hộ, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương, cơ sở.


Hội nghị sơ kết công tác tuyên giáo 6 tháng đầu năm 2020.

    Thực chất và cũng là mục đích của công tác tuyên giáo là thông qua các hoạt động nghiệp vụ (thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận, giáo dục, thuyết phục, cảm hóa…) của cán bộ tuyên truyền mà tác động đến tư tưởng, nhận thức, tình cảm, niềm tin của con người, tạo sự thống nhất về ý chí và hành động cách mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có thể nói, sự thành bại trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng nói chung và của các cấp ủy đảng nói riêng trước hết bắt nguồn từ việc làm tốt hay không tốt công tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng. Bởi theo Hồ Chí Minh, “Tư tưởng không đúng đắn thì công tác ắt sai lầm; “Trong Đảng và ngoài Đảng có nhận rõ tình hình mới, hiểu rõ nhiệm vụ mới thì tư tưởng mới thống nhất, tư tưởng thống nhất thì hành động mới thống nhất”; “… tư tưởng nhùng nhằng thì không làm được việc”. Do đó, “Phải đánh thông tư tưởng và động viên sáng kiến và lực lượng của toàn Đảng, toàn dân. Mọi người quyết tâm làm cho được và tin tưởng làm nhất định được”. Vì vậy, cấp ủy các cấp và cán bộ, đảng viên phải nhận thức rõ: Không làm tốt công tác tư tưởng, không nâng cao chất lượng giáo dục, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân thì không thể có sự đồng thuận, nhất trí cao trong tư tưởng và hành động. Do đó cũng không thể có những kết quả tốt trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh và quốc phòng.

    Nghị quyết Trung ương 5 khoá X “về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới” đã chỉ rõ: “Thường xuyên gắn kết chặt chẽ công tác tư tưởng với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại”. Quyết định số 221-QĐ/TW, ngày 27-4-2009 của Ban Bí thư về “Quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân” cũng xác định mục đích phối hợp của công tác tuyên giáo là: “Tạo sự nhất trí cao trong nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân đối với việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân”; “góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”.

    Lâu nay, chúng ta ít quan tâm đến khía cạnh tư tưởng, văn hóa trong triển khai các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các chương trình, dự án, kế hoạch liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích thiết thực của Nhân dân; do đó có nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh kéo dài, thậm chí có sự phản ứng, cản trở, không hợp tác của Nhân dân, đã ảnh hưởng không tốt đến việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án theo kế hoạch. Khi đó, các cơ quan truyền thông, Tuyên giáo, Dân vận, Mặt trận Tổ quốc,... vào cuộc tuyên truyền, giải thích, thậm chí có biểu hiện gò ép, phê phán thái quá sự phản ứng của Nhân dân. Đó là nhận thức và việc làm không đúng cần khắc phục. Công tác tuyên giáo phải chủ động tham gia vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những công trình, dự án liên quan trực tiếp đến lợi ích con người, hay liên quan đến đời sống tâm linh, yếu tố dân tộc, tôn giáo hoặc yếu tố nước ngoài. Hơn nữa, công tác tuyên giáo phải trở thành một bộ phận gắn chặt với quá trình triển khai thực hiện các hoạt động kinh tế - xã hội cũng như các lĩnh vực khác nhằm định hướng tư tưởng, nhận thức, dư luận xã hội, kịp thời giải quyết những bức xúc của Nhân dân, của cán bộ, đảng viên, nhất là những vấn để mới nảy sinh trong quá trình phát triển.

    Thực tế cũng cho thấy, những bức xúc về tư tưởng thường bắt nguồn từ nhận thức, từ những hạn chế, thiếu sót trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đã tác động ảnh hưởng đến quyền lợi một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Trước những bức xúc đó, nếu được thông tin, tuyên truyền, giải thích kịp thời, đúng đắn để cán bộ, đảng viên, Nhân dân hiểu đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước thì sự việc sẽ được giải quyết một cách ổn thỏa. Do vậy, công tác tuyên giáo không thể “đi sau thực tiễn” mà phải “đi trước để dự báo và định hướng”, “đi trong các sự việc” để nắm chắc tình hình đang diễn ra để có biện pháp giải quyết thấu đáo và “đi sau để giải quyết dứt điểm” những vướng mắc về tư tưởng, tâm trạng xã hội, đồng thời đúc kết kinh nghiệm.

    Những năm qua, thực hiện Quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp theo Quyết định số 221-QĐ/TW của Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo các cấp trong tỉnh đã chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan chức năng cũng như qua các hội nghị sơ kết, giao ban báo chí hàng tháng đã thông tin kịp thời tình hình phát triển kinh tế - xã hội, những vấn đề bức xúc của Nhân dân để định hướng tuyên truyền và đề xuất hướng giải quyết. Qua đó, giúp các cơ quan báo chí, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên có cơ sở để phản ánh đúng bản chất sự việc, giải đáp những băn khoăn, tâm tư của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, công tác phối hợp này cũng như phối hợp giữa các lực lượng làm công tác tuyên truyền, nắm tình hình, định hướng tư tưởng, dư luận xã hội có lúc, có nơi chưa kịp thời, thậm chí bị động, lung túng. Công tác tuyên truyền, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái còn chậm; các tin, bài đấu tranh, phê phán những biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật trong đời sống xã hội còn ít. Công tác tham mưu cho cấp ủy triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa giáo còn nhiều hạn chế.


Hội nghị báo cáo viên tháng 7 năm 2020.

    Để công tác Tuyên giáo đi trước, đi cùng với sự phát triển xã hội cũng như để nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo nói chung và công tác tuyên truyền nói riêng, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều công việc, trong đó, cần quan tâm mấy việc sau:

    Thứ nhất, phải nắm vững, hiểu rõ và làm tốt ba vấn đề cơ bản nhất của công tác tuyên truyền theo tư tưởng của Hồ Chí Minh: Một là, mục đích của tuyên truyền là “đem một việc gì đó nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm theo”. Nếu không đạt được mục đích này thì tuyên truyền thất bại. Hai là, phải nắm vững trình độ nhận thức, thái độ của đối tượng tuyên truyền mà chọn nội dung, cách thức tuyên truyền phù hợp. Theo Hồ Chí Minh, nếu “người tuyên truyền không tìm hiểu, không nghiên cứu, không hiểu biết quần chúng, chỉ gặp sao nói vậy, bạ gì viết nấy, nhất định thất bại”. Ba là, phải có phương pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng.

    Thứ hai, nội dung tuyên truyền phải ngắn gọn, cụ thể, thiết thực; hình thức tuyên truyền, diễn đạt phải dễ hiểu. Nghĩa là nói ít nhưng nói phải đúng, phải trúng với điều người nghe cần, có vậy thì người nghe mới thấm thía và làm theo. Muốn vậy, cán bộ tuyên truyền phải bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình thực thực tiễn, hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân nơi mình tuyên truyền cùng những phong tục, tập quán của địa phương ấy. Nhờ đó, kịp thời phát hiện những vấn đề nảy sinh, nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm trạng của người dân; phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương trong công tác tư tưởng, tuyên truyền.

    Thứ ba, chỉ đạo và kịp thời cung cấp, định hướng thông tin trên báo chí, các phương tiện truyền thông; phát huy vai trò của Đài Truyền thanh cấp xã, các cụm loa truyền thanh ở địa bàn dân cư trong công tác tuyên truyền; chú trọng những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm xảy ra trên địa bàn. Nắm bắt kịp thời và chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, xuyên tạc, kích động của các thế lực phản động, cơ hội chính trị trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phục vụ tốt Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

    Thứ tư, điều quan trọng nhất để có kết quả tốt trong công tác tuyên giáo là mỗi cán bộ tuyên truyền của Đảng phải là người có đạo đức, có tình yêu thương Nhân dân và nhiệt tình cách mạng. Mặt khác, cần coi trọng việc đối thoại, lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, không quy chụp, áp đặt một chiều. Nâng cao tính thuyết phục, vận động, giáo dục, cảm hóa. Lấy cơ sở lý luận và thực tiễn để tăng tính khoa học trong công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền. Chú trọng phương thức tuyên truyền miệng, đảm bảo tính kịp thời, đầy đủ khi cung cấp thông tin để cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ, đồng thuận với những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Quan tâm giáo dục, định hướng tư tưởng đối với giới trẻ, trí thức, những thành phần, bộ phận “chậm tiến” trong xã hội; không để nảy sinh những luồng tư tưởng bất lợi dẫn đến các “điểm nóng” có thể gây mất ổn định chính trị và chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc./.

Kiên Trung



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 81
  • Hôm nay: 6635
  • Trong tuần: 77,342
  • Tất cả: 11,800,662